Bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh trở lại, với dấu hiệu ban đầu là trẻ sốt cao liên tục. Ngoài ra những triệu chứng khác nếu không được tích cực chăm sóc có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Biểu hiện của sốt xuất huyết
Sau thời gian ủ bệnh, khi khởi phát trẻ sẽ sốt cao liên tục, có khi từ 38 đến 40 độ C có thể hạ sốt ngay sau đó nhưng rồi sốt lại lần nữa (sốt 2 pha). Ngoài sốt trẻ còn thấy đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, đau cơ… Tốt nhất phụ huynh nên đưa bé đi khám để tìm ra nguyên nhân chính xác nhất.
Vào ngày thứ 3 đến thứ 6 của bệnh, khi thấy trẻ hết sốt nhưng có biểu hiện đau bụng, ói mửa, tay chân bứt rứt, nằm một chỗ mất sức, lạnh chân tay, nôn ra máu, đi ngoài phân đen… là biểu hiện của tình trạng xuất huyết nặng cần nhập viện gấp.

Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Nếu tình trạng xuất huyết nghiêm trọng gây suy đa cơ quan có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nếu không có biểu hiện nghiêm trọng có thể điều trị tại nhà và cần được theo dõi, chăm sóc thường xuyên. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 7 ngày. Đây là bệnh phổ biến ở nước ta có thể bùng thành dịch mỗi năm, và trong số ca nhiễm có đến 10-20% bệnh nhân trở nặng nếu không được tích cực điều trị đúng cách ngay từ đầu.
Với trẻ nhỏ khi nhiễm sốt xuất huyết, bố mẹ không nên chủ quan nhất là giai đoạn đầu khi thấy trẻ hạ sốt tưởng rằng đã khỏi bệnh, không đưa trẻ đi tái khám để kiểm tra tình trạng bệnh. Chưa kể nhiều người nhầm lẫn các triệu chứng ban đầu của bệnh như tiêu chảy, ho, sổ mũi… thành các bệnh cảm cúm thông thường mà không đưa trẻ đi kiểm tra xét nghiệm.
Các trường hợp bệnh chuyển biến nặng làm bệnh nhân bị sốc do xuất huyết phải vào phòng chăm sóc tích cực: thở máy, lọc máu, truyền bù máu và các chế phẩm máu.
Tốt nhất để tránh trường hợp bị nhiễm sốt xuất huyết, mọi gia đình có trẻ nhỏ cần thực hiện các biện pháp diệt muỗi như phát quang cây cỏ, dọn vệ sinh nhà cửa… hạn chế sự sinh sôi của muỗi và thường xuyên ngủ mùng kể cả ban ngày.