Mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) từ lâu đã phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển. Doanh nghiệp giấy cần nâng cao quy trình sản xuất giấy nhằm giảm phế thải, quản lý và tái tạo tài nguyên.
Xu hướng phát triển KTTH tại Việt Nam
KTTH là xu thế phát triển tất yếu, xuất hiện cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, lãng phí tài nguyên và khan hiếm nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở tái chế chất thải, việc hướng tới nền KTTH trong lĩnh vực công nghiệp gồm tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, sản xuất giấy… đang cần được ưu tiên hàng đầu.
Hiện tại, khả năng thu gom và tái sử dụng rác thải tại Việt Nam còn chưa được triển khai mạnh, nhất là khi chúng ta vẫn chưa thực hiện phân loại rác thải từ nguồn do thiếu công nghệ, nguồn lực cũng như ý thức người dân.
Theo TGĐ công ty giấy Lee & Man, không chỉ là một ngành sản xuất nguyên liệu có mối liên hệ mật thiết với nền kinh tế quốc dân và sự phát triển của xã hội, ngành sản xuất bao bì giấy tái chế còn có sự phù hợp tự nhiên với mô hình KTTH. Các thách thức từ môi trường khiến doanh nghiệp giấy không ngừng cải thiện bộ máy vận hành và triết lý phát triển nếu muốn phát triển bền vững.Kim chỉ nam của chúng tôi là tận dụng tối đa “phế thải” từ đầu vào đến đầu ra. Doanh nghiệp giấy Lee & Man hiện sử dụng đến 95% nguyên liệu là giấy tái chế để sản xuất, giúp giảm thiểu áp lực cho môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác từ phần phế thải trong sản xuất. Chất thải rắn trong quá trình xử lý giấy phế liệu sẽ được tái chế, sản xuất các sản phẩm khác. Phần tro bụi từ chất thải không tái sử dụng sẽ được các công ty thu mua để sản xuất xi măng hoặc gạch không nung. Công ty cũng đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến để chất lượng nước thải, khí thải luôn được kiểm soát trước để bảo vệ môi trường.