Da mụn nhạy cảm do nhiều nguyên nhân gây nên. Nếu muốn tìm giải pháp trị mụn hiệu quả, bạn nên học cách nhận biết hoạt chất nào hay có trong các loại thuốc trị mụn phổ biến.
Nguyên lý điều trị mụn
Tùy thuộc vào đặc điểm của thành phần hoạt tính có trong sản phẩm mà chúng có cách thức hoạt động trên da khác nhau. Một số hoạt chất có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trong khi đó một số khác thì giúp loại bỏ dầu thừa trên da hoặc bào mòn lớp sừng ngoài cùng để thông thoáng lỗ chân lông. Dưới đây là các hoạt chất khá thông dụng.
Benzoyl Peroxide (BP): Tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, song song đó còn loại bỏ dầu thừa và tế bào da chết. Tuy nhiên nếu dùng BP ở nồng độ cao từ 2,5% – 10% sẽ gặp tác dụng phụ như bong tróc, đỏ rát và châm chích trên da.

Salicylic Acid (SA): làm thông thoáng lỗ chân lông bằng cách tẩy tế bào da chết. Đây là hoạt chất phổ biến trong sản phẩm hỗ trợ trị mụn. Nồng độ phổ biến thường dao động khoảng 0,5% – 5%, thông dụng nhất từ 1%-2%. Sử dụng SA nồng độ cao cũng làm kích ứng và bong tróc da, do đó da nhạy cảm nên thận trọng.
Alpha Hydroxy Acids (AHA): có nhiều loại AHA nhưng 3 loại phổ biến nhất bao gồm Glycolic Acid, Lactic Acid và Mandelic Acid. Công dụng tương tự SA, tẩy tế bào chết trên da đồng thời giảm sưng viêm. Ngoài ra AHA kích thích quá trình tái tạo, hồi phục da sau mụn nhanh hơn.
Niacinamide (Vitamin B3): Sau các hoạt chất trị mụn thì đây chính là cứu tinh phục hồi làn da. Công dụng chính của Vitamin B3 đó là hỗ trợ làm mờ đốm thâm mụn và kiềm dầu, bảo vệ da.
Azelaic Acid: đây là hoạt chất đang trở nên phổ biến những năm gần đây vì có ưu điểm là lành tính và khá dịu nhẹ phù hợp với da mẫn cảm, mụn. Hoạt chất này giúp làm sạch lỗ chân lông, kiềm viêm và hạn chế nguy cơ bùng mụn. Với những nốt mụn đã sưng trên da, khi bôi Azelaic Acid sẽ hạn chế viêm nhiễm, mụn nhanh gom cồi và dễ rụng hơn. Thêm một công năng của Azelaic Acid khác là trị sẹo sau mụn khá tốt.