Tẩy da chết giúp bạn có làn da tươi trẻ và làm chậm quá trình lão hóa. Thế nhưng sản phẩm cho da nhạy cảm lại không được gây kích ứng cho da, vì thế nên chọn tẩy da chết hóa học như thế nào?
Tẩy tế bào chết cho da nhạy cảm
Trên thị trường có 3 dạng tẩy da chết hóa học nhìn chung đều là acid nhưng nồng độ lại khác nhau.Với da nhạy cảm nên chọn loại có nồng độ nhẹ và không tác động quá sâu vào da. Tham khảo một số thành phần giúp tẩy da chết hóa học như:
Acid alpha hydroxy (AHA:) có chiết xuất từ trái cây có đường. AHA làm bong tróc lớp da ngoài cùng nhằm đẩy nhanh quá trình sản sinh các tế bào mới, hơn nữa còn cải thiện các nếp nhăn, chống lão hóa. Một số loại AHA còn có chức năng giảm thâm, làm đều màu da, kiểm soát nhờn… AHAs phổ biến là: acid glycolic, acid lactic, acid citric…
Acid beta hydroxy (BHA) khác AHA ở chỗ là có thể tan trong dầu, thâm nhập sâu vào lỗ chân lông để làm khô phần dầu thừa và đẩy tế bào chết ra ngoài. Chính nhờ khả năng làm sạch sâu nên BHA làm thông thoáng lỗ chân lông, có thể điều trị mụn ẩn, làm khô cồi mụn nhanh hơn. Thích hợp dùng cho da nhạy cảm có mụn. BHA phổ biến nhất đó là acid salicylic.
Acid poly hydroxy (PHA) có chức năng tương tự như AHA. Nhưng về cấu tạo, các phân tử PHA lớn hơn, không đi sâu vào da như AHA. Sản phẩm chứa PHA do đó rất phù hợp với da nhạy cảm, dễ kích ứng hoặc mới làm quen với tẩy da chết hóa học. PHA phổ biến như gluconolactone và acid lactobionic có công dụng dưỡng ẩm và chống oxy hóa.
Về cách sử dụng, da nhạy cảm nên được tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần. Thực hiện mỗi tuần đều đặn để giúp loại bỏ da chết, bụi bẩn và dầu thừa trên da, thúc đẩy quá trình sản sinh ra tế bào da mới. Tuy nhiên không nên lạm dụng các chất tẩy da chết nhiều lần bởi sẽ làm da nhạy cảm càng thêm mỏng và dễ kích ứng, nhất là hiện tượng khô tróc da, đỏ rát…
Điều quan trọng sau khi sử dụng tẩy tế bào chết đó là bạn phải chống nắng kỹ lưỡng để bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời. Vì da lúc này đang trong quá trình thay mới, do đó dễ bị thâm sạm nếu không sử dụng kem chống nắng.