Thời tiết nước ta tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển, nhất là vào mùa lạnh. Cúm A sốt bao nhiêu độ, làm thế nào để phòng ngừa cúm, nhất là cho trẻ em?
Phòng ngừa cúm mùa như thế nào?
Thông thường cúm mùa diễn tiến lành tính với các triệu chứng như ho sốt, đau họng, nhức đầu… người bệnh sẽ hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng ở những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em và người lớn tuổi, mắc bệnh nền thì cúm có thể gây ra các biến chứng nặng, thậm chí để lại một số di chứng sau khi hết bệnh.
Những đối tượng dễ mắc biến chứng của cúm đó là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già 65 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh lý nền, bị suy giảm miễn dịch. Nhất là phụ nữ có thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ thì rất nguy hiểm cho thai nhi, dễ sẩy thai hoặc thai nhi bị dị tật.

Đặc điểm nhận dạng: Sau 5 ngày kể từ khi cơ thể tiếp xúc với nguồn lây, các triệu chứng cúm bắt đầu xuất hiện. Đó là sốt cao, run người ớn lạnh, đau đầu, nhức mỏi cơ bắp… Ở trẻ em có thể thêm đau tai, đau họng, tiêu chảy, buồn nôn.
Cúm có triệu chứng nặng hơn so với cảm lạnh thông thường cho nên người mắc cúm không được chủ quan xem nhẹ. Nhất là ở những đối tượng có sức đề kháng yếu, nếu không được điều trị tích cực rất dễ dẫn đến những biến chứng khó lường nguy hiểm như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não hay thậm chí tử vong.
Với những thông tin trên, để phòng tránh cúm nên thực hiện những cách sau:
– Thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay, súc mũi họng mỗi ngày sau khi về nhà. Có thói quen che miệng khi hắt hơi. Bạn có thể mang theo chai rửa tay sát khuẩn khi đi ra ngoài.
– Không nên tiếp xúc gần với người đang mắc bệnh cúm hay nghi ngờ mắc cúm.
– Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người.
– Mùa lạnh nên giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ – họng – mũi.
– Ăn uống cân bằng dinh dưỡng tăng đề kháng.
– Tiêm vaccine ngừa cúm (nhất là ở trẻ nhỏ).