Đối với những nhà máy sản xuất giấy, bảo vệ môi trường chính là thách thức lớn nhất trong quá trình hoạt động. Làm thế nào để phát triển bền vững cũng như bảo vệ được môi trường? Dưới đây là hướng đi của tập đoàn Lee & Man Việt Nam.
Biện pháp cho vấn đề môi trường
Ngành bao bì giấy luôn được xem là có tác động lớn đến môi trường sống. Để giải quyết vấn đề này, Công ty Lee & Man Việt Nam đã chọn cách sử dụng giấy tái chế.
Theo ông Patrick Chung – Tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam: “Chúng tôi luôn cố gắng tái sử dụng những nguyên liệu có thể tái sản xuất để giảm thiểu áp lực cho môi trường và tiết kiệm chi phí”.
Để sản xuất giấy, chúng ta có 2 nguyên liệu là giấy phế liệu và bột nguyên (bột giấy làm từ gỗ). Trong đó, quy trình sản xuất giấy từ bột giấy nguyên chất trải qua rất nhiều khâu, trước tiên là lấy cây gỗ hoặc tre, sau đó nghiền, cô đặc, khử nước… tiêu hao khá nhiều nhiên liệu. Thay vì sử dụng 1 tấn bột giấy, phương pháp sản xuất giấy từ giấy tái chế giúp nhà máy giấy Lee & Man bỏ qua khâu khai thác, chế biến, vận chuyển do đó tiết kiệm nhiên liệu cũng như chi phí.
Theo số liệu công bố của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, với 1 tấn giấy tái chế có thể tiết kiệm đến 17 cây gỗ trưởng thành, 4.000 kWh điện, 270 lít dầu, 26 nghìn lít nước và 3,5 m3 đất để chôn lấp. Tái chế giấy tiết kiệm 65% điện năng cần sử dụng để sản xuất giấy mới, cùng lúc giảm ô nhiễm nước đến 35% và giảm ô nhiễm môi trường đến 74%.
Ông Patrick Chung cho biết, trung bình giấy có thể được tái chế được tối đa 6 lần. Nếu không tận dụng nguồn giấy tái chế này thì rất lãng phí cũng như tăng gánh nặng ô nhiễm cho môi trường xung quanh. Ngoài ra, các chất thải rắn (tạp chất như kim loại, nhựa) được xử lý trong quá trình tái chế giấy sẽ được tái cung ứng cho các ngành sản xuất khác.
“Với việc sử dụng hơn 95% nguồn nguyên liệu là giấy tái chế, nhà máy sản xuất giấy Lee & Man giúp giảm khai thác 24 triệu cây xanh, tiết kiệm khoảng 45,5 triệu m3 nước và khoảng gần 6 tỷ kWh điện, từ đó giảm thải lượng chất thải và tiết kiệm nguồn nước quý giá”- ông Patrick Chung, Tổng giám đốc nhà máy giấy Hậu Giang này cho hay. (Còn tiếp)